Xưởng in Đồng_(tiền_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa)

Miền Bắc

Trước Cách mạng tháng Tám, cả Đông Dương chỉ có hai nhà máy in lớn là nhà máy in Viễn Đôngnhà in To-panh (Taupin) nhưng cả hai bị quân của Tưởng Giới ThạchPháp chiếm đóng nên không thể sử dụng được.

Ban đầu chương trình phát hành đồng tiền độc lập được tổ chức trong bí mật. Cơ sở đầu tiên đặt tại tầng hầm Nhà bát giác Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Chính phủ quyết định sử dụng máy dập tiền hiếm hoi Pháp dùng để dập đồng trinh Bảo Đại mà lực lượng Việt Minh tịch thu được hồi Cách mạng Tháng Tám. Các đồng tiền đầu tiên ra đời được dập bằng nhôm có mệnh giá 2 hào, 5 hào, sau có thêm loại 1 đồng, 2 đồng. Người vận hành máy cũng là các nhân viên cũ như ông Hoàng Thế Ngọc, Đặng Văn Khải...[2]

Mặc dù công việc in tiền tiến hành trong bí mật và có lực lượng vũ trang kín kẽ bảo vệ, nhưng do tình hình quân Lư Hán lúc ấy đóng quân gần khu vực nên sau đó phải chuyển về cơ sở Cây đa Nhà Bò ở phố Lò Đúc.

Ngoài ra, chính phủ phải trưng dụng một số nhà in tư nhân ở Hà Nội và giao cho Ban Ấn loát. Sau đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Bộ Tài chính quyết định nhờ nhà tư sản Đỗ Đình Thiện đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in To-panh của Pháp (vì Pháp không chịu bán cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà) và hiến cho chính phủ để lập nhà in tiền.[13]

Đầu tháng 3 năm 1946, để đảm bảo an toàn, cơ sở in giấy bạc ở Nhà in To-panh được di chuyển lên Đồn điền Chi-Nê tại thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hoà Bình. Đồn điền Chi-Nê trước đây thuộc sở hữu của ông chủ người Pháp tên là Borel, năm 1943 được Đỗ Đình Thiện mua lại và cho mượn một phần đất để đặt nhà máy in tiền.[14]

Tuy nhiên, từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 3 tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp cho máy bay oanh tạc khu đồn điền và nhà máy. Bộ Tài chính chuyển nhà máy lên Bến Trảng Đà, tỉnh Tuyên Quang và cuối cùng, chuyển vào rừng núi Việt Bắc, đóng tại Bản Thi.

Miền Trung

Ở Trung Bộ, từ quý I năm 1946, Nhà in Ngô Tử Hạ ở đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng - Thành phố Huế) được sử dụng làm cơ sở bí mật in thử giấy bạc Việt Nam. Sau Thỏa thuận 14/9/1946, cơ sở in được dời ra Hiền Sỹ, cách Thành phố Huế 25 km về phía Tây Bắc. Cuối năm 1946 cơ sở này lại tiếp tục di chuyển ra Hà Tĩnh.

Miền Nam

Ngày 1 tháng 11 năm 1947, Chính phủ Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành sắc lệnh 102/SL cho phép in bạc Việt Nam tại Nam Bộ. Đặc biệt, để huy động nguồn lực trong dân, từ năm 1946 Chính phủ Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký các sắc lệnh cho phép Nam Bộ được phát hành các loại công thải (vay của dân), sau đó là các công phiếu, công trái kháng chiến như đã thực hiện ở miền Bắc. Tùy điều kiện từng vùng, người dân có thể dùng đồng bạc Đông Dương để mua hoặc quy ra lúa, vàng. Thậm chí có tờ công trái còn ghi rõ ràng mệnh giá bằng 500 kg thóc với phần lãi sẽ trả bên dưới.

Trên cơ sở đó, Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ đã nhanh chóng thành lập tại Đồng Tháp Mười với tên gọi Ban ấn loát đặc biệt và mật danh là Ban trồng tỉa số 10. Kỹ sư Ngô Tấn Nhơn - Bộ trưởng Bộ Canh nông, phái viên được Chính phủ cử vào Nam làm trưởng ban này. Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh-ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ và kỹ sư Kha Vạn Cân làm phó ban. Ủy viên là các ông Huỳnh Văn Gấm, Lê Thiên, Ngô Văn Hoa...Thời gian đầu, Ban chỉ có một phân ban đóng tại vùng rừng tràm Cái Bèo thuộc chiến khu Đồng Tháp Mười. Đến đầu năm 1949, thành lập thêm một phân ban nữa tại Gò Bún. Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ đã in được các loại giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng. Tiền đều có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc, trên đầu là dải chữ Việt Nam dân chủ cộng hòa, bên dưới in lớn chữ Giấy bạc Việt Nam để phân biệt với tiền từ miền Bắc gửi vào. Thời kỳ đầu có mệnh giá 1 đổi 1 với đồng bạc Đông Dương của Pháp.

Mặc dù đội ngũ nhân lực chuyên môn chắp vá và máy móc in ấn lạc hậu (Các máy in typo, offset được giúp tìm mua từ nội thành Sài Gòn, rồi bí mật chuyển bằng đường ghe về Đồng Tháp), phải quay tay, đạp bằng chân nhưng tờ bạc kháng chiến đã nhanh chóng ra đời ngay trong năm 1948. Tốc độ in ấn được thực hiện khá nhanh. Chỉ đến đầu năm 1949, hơn 325 triệu đồng bạc kháng chiến Nam Bộ đã được in ấn và phát hành từ Đồng Tháp.[4]

Tháng 9 năm 1949, di dời về khu 9 Nam Bộ - chiến khu U Minh thuộc tỉnh Bạc Liêu cũ (nay là tỉnh Cà Mau).

Để tránh khó khăn do việc in ấn tiền gián đoạn, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ cho phép các tỉnh được tự in phiếu tiếp tế, tín phiếu để đổi lấy lương thực, hàng hóa thiết yếu trong dân. Trên tờ phiếu có chữ ký của chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến cấp tỉnh, trưởng Ty Ngân khố và được bảo đảm bằng tiền giấy bạc Việt Nam. Vì các tỉnh được tự phát hành phiếu riêng nên mỗi địa phương tự trình bày, in ấn theo kiểu của mình: các tín phiếu của Trà Vinh vẽ hình chùa cổ, bụi chuối, chiến sĩ. Tín phiếu Cần Thơ có hình cô gái quấn khăn rằn, hình Hồ Chí Minh và đoàn quân đang cầm cờ về thành. Tín phiếu Long Châu Tiền thì dòng chữ "tất cả để tổng phản công"... Do thiếu thiết bị nên các loại tín phiếu, phiếu tiếp tế này đều được in ấn rất thô sơ, không đạt chuẩn kích thước, màu sắc. Thậm chí, người ta còn lấy cả giấy bao bì gói đồ để in tín phiếu. Tuy nhiên, tất cả đều được người dân chấp nhận, ủng hộ. Đồng thời để giảm bớt áp lực cho việc vận chuyển tiền, các tỉnh kháng chiến lúc này được phép nhận bản kẽm chính của Ban Ấn loát Đặc biệt Nam BộU Minh về tự in và phát hành tiền tại địa phương mình. Chỉ thị ban đầu là tiền tỉnh nào in, chỉ được dùng ở tỉnh đấy, nhưng thực tế được sử dụng khắp nơi do lòng dân ủng hộ[5].

Giữa năm 1951, Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ có bước ngoặt lịch sử do ông Dương Quang ĐôngHội Việt kiều yêu nước Thái Lan mua gửi về hai máy in offset hiện đại hiệu Hamada của Nhật sản xuất. Các thiết bị, nguyên liệu kèm theo như máy điện, hóa chất, mực in... cũng được gửi đường biển về đầy đủ. Từ đây, tờ bạc Nam Bộ được in nhanh hơn, nhiều hơn, đặc biệt là đẹp hơn hẳn, chất lượng không còn khác biệt nhiều so với đồng bạc Đông Dương do Pháp phát hành. Đồng thời, nhà máy giấy Hòa Bình ở Bạc Liêu (cũ) cũng được tăng cường sản xuất để đáp ứng nguồn giấy bạc in tiền. Các loại giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng được in ra với số lượng lớn.

Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ kết thúc vai trò lịch sử, ngừng hoạt động (tháng 11).[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồng_(tiền_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa) http://banknoteworld.com/vietnam http://dantri.com.vn/xa-hoi/tham-nha-may-in-tien-d... http://www.na.gov.vn/LSQH1/giai_doan_54_75/gd3b.ht... http://www.sbv.gov.vn http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/vilinks/vide... http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/vilinks/vide... http://www.taichinhdientu.vn/Home/Thong-nhat-tien-... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://tuoitre.vn/dong-tien-doc-lap-ky-1-cuoc-chie...